Hình Ảnh Của Đền Thăng Long Hà Nội

Hình Ảnh Của Đền Thăng Long Hà Nội

Trong Thiên đô chiếu (chiếu dời đô), Hoàng đế Lý Thái Tổ đã miêu tả Đại La (Thăng Long) là nơi “ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước.” Ông cho rằng một nơi như vậy ắt sẽ mang lại thái bình và thịnh vượng, nên phải được bảo vệ một cách linh thiêng.

Trong Thiên đô chiếu (chiếu dời đô), Hoàng đế Lý Thái Tổ đã miêu tả Đại La (Thăng Long) là nơi “ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước.” Ông cho rằng một nơi như vậy ắt sẽ mang lại thái bình và thịnh vượng, nên phải được bảo vệ một cách linh thiêng.

Đền Bạch Mã trấn giữ phương Đông

Nằm giữa lòng Phố Cổ, đền Bạch Mã là "tuyến phòng vệ" trấn giữ phía Đông thành cổ. Được khởi dựng vào thế kỷ thứ 9, đền Bạch Mã được xem là ngôi đền lâu đời nhất của Tứ Trấn. Vị thần được thờ phụng ở đây là thần Long Đỗ (có nghĩa là “rốn rồng”), hay còn gọi là thần Bạch Mã.

Tương truyền rằng khi dời đô về Thăng Long vào năm 1010, Hoàng đế Lý Thái Tổ mở rộng phủ thành nhiều lần nhưng đều bất thành. Đến một ngày, ông bèn cử người đến cầu khấn thần Long Đỗ, rồi đến đêm, ông nằm mộng thấy thần đến chúc mừng và mách đắp thành theo dấu chân của con ngựa trắng bước ra từ đền. Nhà vua đắp thành y lời thần, xây đến đâu chắc đến đấy. Cảm tạ ơn trên, nhà vua đã đổi tên ngôi đền thành Bạch Mã, và phong cho Long Đỗ là Thành hoàng của thành Thăng Long.

Pho tượng Bạch Mã và biểu tượng Mặt Trời trên tấm đệm yên ngựa. Tại Việt Nam và nhiều nền văn hóa khác, việc tôn thờ hướng Đông cũng chính là tôn thờ Mặt Trời.

Ngôi đền có bốn phần chính. Đầu tiên là Phương đình (sân trước) với những cột gỗ lim sơn son thếp vàng. Tiếp theo là Đại bái (đình ngoài) được dành riêng để thờ Bạch Mã, rồi Thiên hương (đình giữa). Cung cấm trong cùng là nơi thờ thần Long Đỗ.

Sân trước và những trạm trổ tinh xảo.

Đền Kim Liên là ngôi đền linh thiêng trấn giữ phía Nam, nơi thờ phượng thần Cao Sơn, một trong 100 người con của thủy tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Theo chân mẹ lên núi, ông đã giúp Sơn Tinh đánh bại Thủy Tinh để mang lại giang sơn ấm no và thái bình cho người dân.

Lối vào đền Kim Liên với bức hoành phi khảm ba chữ Nho: “Trấn Nam Phương”

So với ba ngôi đền còn lại, đền Kim Liên được cho là hoàn thiện muộn nhất, vào thế kỷ 16-17 từ khi được khởi công sau sự kiện dời đô. Qua thời gian, dân làng Kim Liên xây thêm cổng tam quan cạnh hồ Kim Liên. Nhiều công trình bổ trợ cũng đã được xây dựng và ngôi đền dần kiêm luôn chức năng của một ngôi đình làng.

Ao Kim Liên, nơi gắn liền với câu chuyện "nghề thợ cạo".

Di vật quan trọng nhất của ngôi đền là tấm bia đá "Cao sơn Đại Vương thần từ bi minh" soạn năm 1510. Bên cạnh đó là hệ thống 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương được dựng từ triều Hậu Lê đến triều Nguyễn.

Văn bia đá được chạm trổ tinh xảo.

Đền Voi Phục trấn giữ phương Tây

Ngự ở phía tây kinh thành là đền Voi Phục ẩn mình dưới tán lá xanh ở công viên Thủ Lệ. Đức thần được thờ là Hoàng tử Linh Lang, có nguồn gốc là con của Long Vương thác sinh vào làm con một bà phi tên là Hạo nương của vua Lý Thánh Tông. Vào thế kỷ 11, đức thần đã có công giúp vua Lý Thánh Tông đánh giặc Tống. Để tưởng nhớ công đức thần, nhà vua đã lệnh cho dân chúng dựng đền Voi Phục; tên gọi xuất phát từ hai bức tượng voi đá quỳ trước cổng đền.

Mái đền Voi Phục mang kiến trúc truyền thống như những ngôi đền cổ khác — đuôi mái đền được uốn cong, được tổ điểm bởi chạm khắc các linh vật như rồng, lân, phượng, v.v.

Đền Quán Thánh trấn giữ phương Bắc

Tọa lạc bên cạnh Hồ Tây, đền Quán Thánh là ngôi đền mang nhiệm vụ trấn giữ phương Bắc. Đây là nơi thờ phượng Huyền Thiên Trấn Vũ, một vị thần quan trọng trong Đạo giáo, tượng trưng sao Bắc Cực.

Truyền thuyết kể rằng ngày xưa, có một con hồ ly chín đuôi hay đi gieo rắc tai họa cho người dân. Thần Trấn Vũ phải giáng trần tiêu diệt hồ ly để thiết lập lại hòa bình. Mảnh đất chôn xác hồ ly bỗng lung chuyển thành vùng trũng và trở thành Hồ Tây ngày nay; đây cũng là lý do hồ còn có tên gọi là đầm "Xác Cáo."

Bàn thờ thần với một bài thơ thời Đường ở phía sau.

Ngôi đền hiện nơi lưu trữ nhiều tác phẩm nghệ thuật xưa, trong đó có 40 bài thơ Đường được khắc gỗ niên đại từ thế kỷ thứ 7. Ngoài ra còn có một bức phù điêu đồng miêu tả cảnh Tam giới: Thiên-Địa-Thuỷ.

Bức chạm khắc từ đồng treo trên xà nhà

Linh hồn của ngôi đền chính là bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng cao 3.96 mét và nặng 4 tấn được đặt ở bàn thờ chính. Theo truyền thuyết, bức tượng này thể hiện rõ nét vị thần Đạo giáo khi ngài đã đắc đạo.

Là nơi ngự của một vị võ thần với sức mạnh vô song, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi ngôi đền còn có chức năng khác là võ đường. Các võ sinh thường đến đây luyện tập vào buổi chiều.

Các võ sinh luyện tập trong khuôn viên đền Quán Thánh.

Nghìn năm đã qua từ khi vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô về Thăng Long, nhưng ý nghĩa văn hóa và lịch sử của Tứ Trấn vẫn còn vẹn nguyên. Bởi vững chãi thêm qua những lời truyền tụng nhân dân, bốn ngôi đền tiếp tục trấn giữ thủ đô trước những biến chuyển của thời gian.