Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Hải Dương
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Hải Dương
Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được quy hoạch dài 447 km, khổ đường 1.435 mm, đi qua 10 tỉnh thành, nhu cầu vốn đầu tư hơn 183.000 tỷ đồng.
Liên danh tư vấn Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng GTVT (TRICC-JSC) và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) vừa trình Cục Đường sắt Việt Nam báo cáo giữa kỳ quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Phạm vi nghiên cứu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được nghiên cứu lập quy hoạch toàn bộ các đoạn tuyến, ga trên tuyến có điểm đầu là ga Lào Cai (tính từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc), điểm cuối là ga Hạ Long (thuộc tuyến đường sắt Kép - Hạ Long) đi qua 10 tỉnh/thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Theo tư vấn, trục hành lang Đông Tây có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng, là cửa ngõ giao thương với thế giới qua các cảng biển lớn khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh cũng như kết nối liên vận quốc tế về giao thông đường sắt, đường bộ tại cửa khẩu Lào Cai. Chưa kể, khối lượng dự báo nhu cầu giai đoạn ngắn hạn của tuyến này ước tính là 16 đôi/ngày đêm đối với tàu khách, 7,28 triệu tấn/năm đối với khối lượng hàng hóa và 23,28 triệu tấn/năm đối với lượng hàng hóa quy đổi (cả hành khách và hàng hóa).
Vì vậy, tư vấn đề xuất định hướng quy hoạch tuyến khổ 1.435 mm, điện khí hóa; là đường đơn trong ngắn hạn và đường đôi trong dài hạn. Tổng chiều dài toàn tuyến hơn 441 km, vận tốc thiết kế tối đa 160 km/giờ.
Trên toàn tuyến có 41 ga, trong đó 5 ga lập tàu chính gồm: Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân.
Ga Lào Cai là ga lập tàu khách và lập tàu hàng suốt tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tàu khu đoạn Lào Cai - Hà Nội; là ga giao tiếp liên vận quốc tế với ga Hà Khẩu Bắc của đường sắt Trung Quốc.
Ga Yên Thường là ga lập tàu khách và tàu hàng khu đoạn Yên Thường - Lào Cai và Yên Thường - Nam Hải Phòng, ngoài ra ga Yên Thường còn có chức năng là ga lập tàu khu đầu mối Hà Nội cho các tuyến phía Bắc như Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hạ Long - Cái Lân.
Ga Nam Hải Phòng lập tàu khách và tàu hàng đi suốt tuyến như ga Lài Cai, đồng thời lập tàu khách khu đoạn và hàng cho đoạn Hải Phòng - Yên Thường và tàu khu đoạn ngắn Nam Hải Phòng - Hạ Long - Cái Lân.
Ga Hạ Long là ga lập tàu khách đoạn ngắn Hạ Long - Hải Phòng; ga Cái Lân lập tàu hàng đoạn ngắn cho đoạn Hải Phòng - Cái Lân.
Trên toàn tuyến có 27 ga nhường tránh tàu; 5 ga trung gian có tác nghiệp hành khách và hàng hóa tập trung tại các trung tâm tỉnh, thành phố gồm: Yên Bái, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Lạc Đạo, Hải Dương.
Ga cảng phục vụ xếp dỡ cho các cảng bao gồm 4 ga: ga cảng Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ./.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai cho biết, theo quy hoạch trên, phạm vi nghiên cứu để lập quy hoạch tuyến đường sắt này có tổng chiều dài 441,90 km, điểm đầu là ga Lào Cai (tính từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc) và điểm cuối là ga Hạ Long (thuộc tuyến đường sắt Kép – Hạ Long) và các đoạn tuyến đi qua 10 tỉnh/thành phố (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh).
Bản đồ đường sắt mới Lào Cai - Quảng NInh (Ảnh Sở Giao thông vận tải Lào Cai cung cấp).
Trên tuyến có khoảng 56 cầu lớn với chiều dài 47,5 km đi qua các con sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Bạch Đằng và các cầu vượt đường bộ cao tốc như Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hải Phòng - Quảng Ninh, các đường quốc lộ và một số đường nhánh. Có 11 hầm với chiều dài 10,05 km.
Căn cứ dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách có khối lượng lớn, cùng tuyến vận tải liên vận quốc tế Việt – Trung, tư vấn kiến nghị quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng – Quảng Ninh là đường đơn trong ngắn hạn và đường đôi trong dài hạn.
Tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm chạy hỗn hợp hàng hóa và hành khách có tốc độ thiết kế 160 - 200 km/h.
Cũng theo tư vấn, hướng tuyến kiến nghị, cũng như điểm kết nối đầu, cuối tuyến, vị trí, chức năng và quy mô các ga đã được các địa phương cơ bản thống nhất. Về các ga, tổng số có 41 ga, cụ thể có 5 ga lập tàu: Ga Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân.
Trong đó, ga Lào Cai còn đảm nhận là ga giao tiếp liên vận quốc tế, ga Hạ Long chỉ lập tàu khách và ga Cái Lân chỉ lập tàu hàng; ga Yên Thường (Hà Nội) nghiên cứu đề xuất phương án 1 là ga lập tàu khách và tàu hàng cho các tuyến đường sắt phía Bắc khổ 1.435 mm, phương án 2 là ga chỉ lập tàu hàng cho các tuyến phía Bắc khổ 1.435 mm.
Có 5 ga trung gian có tác nghiệp hành khách và hàng hóa tập trung tại các trung tâm tỉnh, thành phố: Yên Bái, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Lạc Đạo, Hải Dương. 4 ga cảng phục vụ xếp dỡ cho các cảng biển: Ga cảng Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ.
Có 27 ga nhường tránh tàu (có tác nghiệp hành khách và hàng hóa phục vụ dân cư lân cận): Thái Niên (mới), Sơn Hà, Cam Cọn, Bảo Hà (mới), Châu Quế Thượng, Đông An, Tân Hợp, Yên Hợp, Y Can, Lệnh Khanh, Hạ Hòa, Thanh Ba, Phú Thọ, Lập Thạch, Bình Xuyên, Phúc Yên, Thạch Lỗi, Bắc Hồng, Đông Anh, Trung Màu, Lương Tài, Bình Giang, Tứ Kỳ, Tân Viên, Phong Hải, Quảng Yên, Minh Khai.
Về công nghệ tuyến đường sắt trên, tư vấn đề xuất lựa chọn phương thức điện khí hóa. Bởi mục tiêu quan trọng của tuyến này là nối ray và có khả năng kết nối phương tiện (đầu máy, toa xe/tàu), tương thích với tuyến đường sắt điện khí hóa khổ 1.435 mm Côn Minh – Hà Khẩu Bắc của Trung Quốc. Cụ thể hơn, giải pháp điện khí hóa là loại hình điện xoay chiều 1 pha, điện áp tiếp xúc: 25 kVAC , tần số công nghiệp 50 Hz; phương thức cấp điện: đường dây tiếp xúc trên cao. Tư vấn ước tính toàn tuyến đường sẽ cần lắp đặt mới khoảng 50 trạm điện biến áp tự ngẫu (AT)...
Cục Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Theo đó, chiều dài toàn tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh 447,66km, đi qua 10 tỉnh, thành phố. Trong đó đoạn qua Hải Dương dài khoảng 41 km, đi qua 5 huyện gồm Tứ Kỳ (khoảng 11,2km), Gia Lộc (khoảng 10,5km), Bình Giang (khoảng 9,3km), Thanh Hà (khoảng 7,9km), Cẩm Giàng (khoảng 2,6km).
Theo lộ trình đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2030 cơ bản được thi công xong tuyến đường đơn, điện khí hóa, khổ 1.435mm đoạn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Tại địa phận Hải Dương: Hướng tuyến bắt đầu từ ranh giới với tỉnh Hưng Yên, vượt qua quốc lộ 38 tránh khu dân cư Đông Giao (Cẩm Giàng), vượt khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, vượt quốc lộ 5 và sông Sặt, sau đó đi vào trục quy hoạch đường sắt qua khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, đến vị trí đặt ga Bình Giang.
Ra khỏi ga Bình Giang, tuyến đi về hướng đông nam qua đường tỉnh 395, 394 qua sông Đình Đào tới địa phận xã Yết Kiêu (Gia Lộc) và đến ga Hải Dương Nam.
Tuyến tiếp tục bám sát và đi song song ở phía bắc đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, vượt trên quốc lộ 38B, nút giao quốc lộ 38B với đường dẫn vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 37. Sau đó, tuyến rẽ trái tạo đường cong vượt đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tiếp tục bám sát và đi song song ở phía nam đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, vượt đường tỉnh 391 đến ga Tứ Kỳ.
Ra khỏi ga Tứ Kỳ, tuyến tiếp tục bám sát và đi song song ở phía nam đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đoạn qua huyện Thanh Hà là hết địa phận tỉnh Hải Dương.
Đoạn qua Hải Dương được quy hoạch 3 ga. Cụ thể, ga Bình Giang thuộc địa phận xã Hùng Thắng (Bình Giang) là ga hỗn hợp tác nghiệp hành khách và hàng hóa, quy mô 6 đường đón tiễn; 1 đường xếp dỡ, diện tích khoảng 10,5ha. Trong tương lai đề nghị xây dựng thành ga liên vận quốc tế.
Ga Hải Dương Nam quy hoạch tại thị trấn Gia Lộc, phía nam thôn Chằm, xã Yết Kiêu, phía bắc đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường vành đai II TP Hải Dương là ga hỗn hợp tác nghiệp hành khách và hàng hóa. Quy mô 7 đường đón tiễn, 2 đường xếp dỡ, diện tích khoảng 10,5 ha.
Ga Tứ Kỳ ở xã Chí Minh (Tứ Kỳ) là ga kỹ thuật nhường tránh. Quy mô 3 đường đón tiễn, diện tích khoảng 5,3 ha. Trong tương lai, khi tuyến đường sắt hoàn thiện đường đôi, xem xét chuyển đổi thành ga hàng hóa.